Mất răng không đơn thuần chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn làm thay đổi diện mạo của bạn.
Có nhiều nguyên nhân mất răng:
- Răng không được chăm sóc đúng cách dẫn đến sâu răng, viêm nướu
- Chứng mất răng bẩm sinh.
- Mất răng do tai nạn (té xe hoặc chấn thương khi chơi thể thao…).
- Mất răng do viêm nha chu (nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất răng ở người lớn tuổi)
Ngoài ra, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tỉ lệ mất răng tỉ lệ thuận với số tuổi.
Mức độ trầm trọng của bệnh viêm nha chu tăng theo tuổi. Sự gia tăng này có thể do các bệnh lý trong cơ thể, sự thay đổi mô miệng, tuyến nước bọt,... hoặc do khả năng vận động kém của người cao tuổi dẫn đến việc vệ sinh răng miệng cũng gặp nhiều khó khăn.
Khi chúng ta mất răng, dù mất ít hay nhiều răng, nếu không có biện pháp kịp thời để bảo vệ những răng còn lại (như phục hình răng giả hay cấy ghép - implant răng) cho những chỗ trống răng thì các răng còn lại sẽ có hiện tượng bị thưa hay bị xô lệch, bị thòng hay nhô răng, dễ gây sâu răng, gây một số bệnh về lợi – nướu răng. Mất răng làm tiêu xương hàm gây biến dạng khuôn mặt, làm khuôn mặt trông già nua hơn, mất đi sự thẩm mỹ của nụ cười, khuôn mặt.... Ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe răng miệng, thẩm mỹ của khuôn mặt, mất răng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân, làm mất sức nhai nên khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém.
Chúng ta có thể tóm tắt lại cụ thể hơn việc mất răng gây nên 2 hậu quả chính:
1. Xáo trộn khớp cắn:
Các răng kế cận có xu hướng di lệch vào khoảng trống mất răng, các răng đối diện vùng mất răng có thể trồi lên hoặc thòng xuống quá mức. Theo thời gian, mất răng sẽ phát sinh ra các vấn đề về khớp thái dương hàm và thay đổi hình dáng khuôn mặt.
2. Sự tiêu ngót xương:
Xương ổ răng bắt đầu có sự tiêu ngót ngay sau khi mất răng. Mất răng càng lâu ngày sự tiêu xương xảy ra càng nhiều. Về lâu dài, sự tiêu xương này ảnh hưởng đến đến thẩm mỹ hình dáng khuôn mặt; khi đó, việc thực hiện và duy trì các loại răng giả cũng gặp khó khăn như: hàm tháo lắp sẽ lỏng lẻo, cầu răng khó đạt được thẫm mỹ hoặc xương hàm không có đủ kích thước xương cho implant.
Trước đây, cách phục hình răng phổ biến cho người cao tuổi là hàm giả nhưng thật khó để ăn nhai thoải mái với nó. Hàm giả tháo lắp thường gây vướng víu trong miệng, chức năng ăn nhai không cao, giảm cảm giác ngon miệng khi ăn, trở ngại cho việc phát âm, các móc có thể làm hư các răng thật, xương sống hàm tiêu dần khiến hàm giả lỏng lẻo và sau một thời gian phải chỉnh sửa hoặc làm lại. Bên cạnh đó, việc va chạm giữa hàm giả tháo lắp với sống hàm lâu năm có thể gây tổn thương sống hàm và tạo nên những khối u không tốt trong vùng miệng.
Do đó Implant là một trong những giải pháp tối ưu để khôi phục lại những răng bị mất.